Đặc sản
Ba nhân vật thống nhất thiên hạ, anh hùng Nagoya – Nobunaga, Hideyoshi và Ieyasu
Nagoya và vùng lân cận là nơi ra đời của ba vị tướng lĩnh thời chiến quốc đã chiến đấu để thống nhất Nhật Bản, mang lại hòa bình cho mảnh đất này. Cho đến ngày nay, cả 3 nhân vật này vẫn được tôn sùng là anh hùng, và cả 3 đều có những tính cách khác nhau. Có mấy câu thơ mô tả rất rõ tính cách của 3 vị anh hùng này. Những câu thơ đó như sau:
Nếu con chim cúc cu không hót, hãy giết nó!
- Oda Nobunaga
Nếu con chim cúc cu không hót, hãy vuốt ve nó!
- Toyotomi Hideyoshi
Nếu con chim cúc cu không hót, hãy đợi nó!
- Tokugawa Ieyasu
Không có gì đáng ngạc nhiên khi vùng Nagoya có nhiều địa danh liên quan đến các vị anh hùng này. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết hơn về 3 vị anh hùng này cũng như những địa danh có liên quan đến họ nhé.
Oda Nobunaga
Năm 1560, Imagawa Yoshimoto cùng hơn 25.000 quân lính đã tấn công lãnh thổ của Nobunaga, thiết lập căn cứ trên dãy đồi Okehazama. Nobunaga phải rời lâu đài Kiyosu và chỉ có thể dẫn theo khoảng 2.500 binh sĩ, bằng 1 phần 10 quân địch, dù vậy ông vẫn quyết định tấn công quân xâm lược, không phải bằng cách thu hút và tấn công kẻ thù từ lâu đài mà theo cách của riêng mình.
Trên đường đi, Nobunaga cùng binh sĩ của mình đã viếng thăm đền Atsuta Jingu trong chốc lát, đây là ngôi đền Thần đạo được cho là nơi linh thiêng đứng thứ 2 Nhật Bản trong việc cầu may mắn. Khi tung đồng tiền để dâng lời cầu nguyện, ông và binh sĩ đều rất vui mừng khi nhìn thấy tất cả 5 đồng xu đều hướng cùng một mặt, bởi vì họ tin rằng đây là dấu hiệu tốt!
Nobunaga vừa đưa binh đến Okehazama nằm tại ngoại ô phía Nam thành phố Nagoya ngày nay, vừa đi đường vòng dẫn đến nơi nhìn bao quát được căn cứ của Imagawa. Các samurai của Imagawa đang ăn mừng chiến thắng mới nhất của mình, cộng với tiết trời ấm áp của tháng 6, bản thân họ nghĩ rằng mình đang ở một nơi an toàn, vì thế lúc Nobunaga tấn công, mọi người đang hạ vũ khí và uống rượu. Đoàn quân của Nobunaga tiến thẳng đến ngay cạnh doanh trại của Đại tướng Imagawa Yoshimoto và đột kích quân của Imagawa. Imagawa ngay lập tức bị chém đầu, và Nobunaga tuyên bố giành chiến thắng. Có 2 địa điểm liên quan đến trận chiến trên thực tế. Đó là một công viên nhỏ ở quận Midori của Nagoya và một công viên ở thành phố Toyoake thuộc vùng lân cận. Các bản đồ và biển báo tại địa phương sẽ hướng dẫn bạn đến những địa danh có liên quan đến Nobunaga và Imagawa Yoshimoto như pháo đài Zenshoji trong công viên nơi Yoshimoto bị xử tử, chùa Chofukuji nơi chôn cất thủ cấp của Yoshimoto, tàn tích của Nanatsuzuka nơi Nobunaga ra lệnh cho người dân địa phương chôn cất những người tử trận, v.v...
Sau chiến thắng ngoạn mục, để tạ ơn thần linh của đền Atsuta Jingu và để bảo vệ khu vực bên trong ngôi đền linh thiêng này, Nobunaga đã cho xây dựng một cánh cổng to lớn và cực kỳ ấn tượng, cùng một bức tường cao và khá dày từ đất và gạch ngói bao quanh ngôi đền. Phần lớn cánh cổng và bức tường rào này đã bị phá hủy bởi các trận không kích ở Thế chiến II, tuy vậy một phần của bức tường (hay còn gọi là bức tường Nobunaga) hiện đang được bảo tồn trong khu rừng bao quanh đền Atsuta Jingu và vẫn được viếng thăm bởi những người mến mộ ông cũng như những người muốn cầu khẩn với thần linh như Nobunaga đã làm trước trận chiến.
Vì muốn thống nhất đất nước, mang lại hòa bình cho vùng đất này, nhiều năm sau đó Nobunaga liên tiếp giành được thêm nhiều thắng lợi nữa. Tuy nhiên, vào năm 1582, ngay trước khi hoàn thành công cuộc thống nhất Nhật Bản, một trong những vị tướng mà ông vốn cực kỳ tin tưởng là Akechi Mitsuhide vì một lý do nào đó đã phản bội và tấn công Nobunaga tại chùa Honnoji ở Kyoto. Xung quanh rơi vào hỗn chiến và bản thân bị thương, Nobunaga đã phóng hỏa nội điện, thực hiện nghi thức mổ bụng theo truyền thống samurai rồi để cho ngọn lửa đó nuốt chửng.
Toyotomi Hideyoshi
Khi tướng quân Akichi Mitsuhide phản bội và giết chết lãnh chúa Nobunaga, Hideyoshi đang chiến đấu tại nơi hiện là tỉnh Okayama ngày nay. Hideyoshi ngay lập tức cầu hòa với địch thủ, đưa quân quay lại và đóng quân tại Kyoto trong nhiều ngày, sau đó đối đầu với quân đội của Akechi và giành chiến thắng.
Từ việc trả thù cho cái chết lãnh chúa, địa vị của Hideyoshi lại cao thêm một bậc so với các chư hầu của gia tộc Oda, và bằng cách thận trọng thao túng con cháu cùng các chư hầu của Nobunaga vĩ đại, Hideyoshi đã thành công trong việc đưa quyền lực về tay mình trên danh nghĩa Sanboshi, cháu trai của Nobunaga.
Người ta cho rằng, nơi sinh ngày trước của Hideyoshi nay là đền Toyokuni-jinja trong công viên Nakamura ở thành phố Nagoya. Cách đền thờ khoảng 80m về phía Tây là Bảo tàng tưởng niệm Hideyoshi Kiyomasa, nơi trưng bày các vật phẩm liên quan đến Hideyoshi và Kato Kiyomasa - vị võ tướng có họ hàng với ông. Ngoài ra, cách ngôi đền khoảng 80m về phía Đông còn có chùa Josenji, cũng như một bức tượng tạc hình người đàn ông mà sau này trở thành quan nhiếp chính, cây cổ thụ do chính Hideyoshi trồng, cùng rất nhiều di vật về người anh hùng của vùng đất này.
Là người kế thừa công cuộc thống nhất đất nước còn đang dang dở của Nobunaga, cuối cùng Hideyoshi cũng đã mang lại hòa bình cho đất nước bị chiến tranh tàn phá và để lại một đứa con trai 5 tuổi trước khi qua đời năm 1598. Để duy trì triều đại Toyotomi, Hideyoshi lập ra năm vị trưởng lão từ những lãnh chúa thời chiến quốc có quyền lực nhất để cai trị đất nước trên danh nghĩa con trai ông đến khi con ông trưởng thành. Đứng đầu trong năm vị trưởng lão này chính là Tokugawa Ieyasu.
Tokugawa Ieyasu
Ieyasu cuối cùng đã thoát khỏi nhà Imagawa vào năm 1560 khi 19 tuổi. Đó là lúc Imagawa Yoshimoto bị Oda Nobunaga giết chết trong trận Okehazama. Ieyasu sau đó đã thành lập liên minh với Nobunaga, và sau đó nữa là với Toyotomi Hideyoshi.
Năm 1600, tức 2 năm sau cái chết của Hideyoshi, đất nước chia thành 2 phe với quân đội phía Tây theo Toyotomi và quân đội phía Đông thề trung thành với Ieyasu. Trận chiến samurai lớn nhất lịch sử giữa hai đội quân này đã diễn ra tại Sekigahara, vùng đất trung tâm của Nhật Bản, chỉ cách Nagoya 50km về phía Tây. 160.000 samurai chiến đấu trong suốt 7 tiếng, và cuối cùng Ieyasu đã tuyên bố giành chiến thắng. 2 năm sau, Tokugawa Ieyasu đã trở thành một vị tướng quân.
Tuy nhiên, nguy cơ chiến tranh vẫn tồn tại, khi ở Osaka còn có người thề trung thành với gia tộc Toyotomi. Vì thế, một lâu đài tráng lệ bậc nhất đã được xây lên ở Nagoya nhằm ngăn chặn quân phía Tây xâm nhập vào lãnh thổ của quân phía Đông và bảo vệ thành trì của Ieyasu tại Edo (Tokyo). Lâu đài này nằm ngay phía trên lâu đài của gia tộc Oda, nơi Ieyasu bị giam giữ khi còn nhỏ. Lâu đài Nagoya là 1 trong những lâu đài ấn tượng nhất với thiết kế vô cùng nguy nga, một biểu tượng của quyền lực đích thực. Từ tòa lâu đài Nagoya được trang trí cá chép đầu rồng Shachihoko bằng vàng trên nóc, Ieyasu đã tấn công Osaka thêm 2 lần nữa, tiêu diệt tàn dư cuối cùng của Toyotomi và củng cố quyền kiểm soát Nhật Bản. Ông qua đời 2 năm sau đó vào năm 1616 ở tuổi 73.
Lâu đài Nagoya và kiệt tác điện Honmaru Goten tại đây nên đứng đầu danh sách tham quan của bạn! Yoshinao, con trai của Ieyasu và cũng là vị lãnh chúa đầu tiên của Nagoya đã bảo quản, duy trì và bàn giao tòa lâu đài được giữ gìn cẩn thận này lại cho chính phủ khi chế độ Mạc phủ bị lật đổ năm 1868. Nagoya là lâu đài đầu tiên được chỉ định là Báu vật quốc gia vào năm 1930. Về sau, Bảo tàng mỹ thuật Tokugawa đã được xây dựng tại nơi đặt thành trì của gia tộc Tokugawa - vùng đất Nagoya này - để lưu trữ bộ sưu tập hàng đầu thế giới với vũ khí, áo giáp của các lãnh chúa, hiện vật thủ công - nghệ thuật gồm nhiều hiện vật được chỉ định là Báu vật quốc gia, cuộn văn thư, di vật của chính tướng quân Tokugawa Ieyasu, v.v... Vườn Tokugawaen ngay bên cạnh Bảo tàng mỹ thuật cùng với Lâu đài Nagoya là hai trong số ít những địa điểm không thể bỏ qua ở Nagoya.
Nagoya, quê hương của những vị anh hùng
Tìm kiếm
- Từ KHóA
Xếp hạng